Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Những liệu pháp trị đau họng tại nhà

Khi chúng ta bị đau họng, chúng ta có thể có cảm giác ngứa ở họng, khó nuốt, đau hoặc sưng các tuyến ở vùng cổ hoặc hàm. Đôi khi kèm theo các triệu chứng như: hắt hơi, ho, sổ mũi và sốt.

Nguyên nhân gây đau họng

Những nguyên nhân thường gặp gây đau họng:

- Do virut cảm lạnh hay cảm cúm gây nên

- Thời tiết khô hanh

- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá

- Dị ứng

viêm họng

Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ bị đau họng nhiều hơn người trưởng thành. Tiếp xúc với người bị viêm họng, amidan bất thường hoặc viêm, hệ thống miễn dịch yếu, tất cả đều làm tăng nguy cơ đau họng.

Nguyên nhân đau họng có thể là từ vi khuẩn nhóm Streptococcus gây viêm họng. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ(CDC), khoảng 20-30 trường hợp trên 100 trẻ em đau họng là viêm họng. Ở người lớn viêm họng chiếm 5-15 trường hợp trong tổng số 100 trường hợp đau họng.

Đau họng thường hết sau 3-4 ngày, một vài trường hợp có thể có biến chứng. Một biến chứng nguy hiểm của đau họng là thấp khớp cấp - gây ảnh hưởng tới tim và khớp.

Một số liệu pháp tự làm sau sẽ giúp bạn giảm đau họng tại nhà.

Biện pháp chữa đau họng tự nhiên

Khi bị đau họng, các biện pháp sau có thể giúp hồi phục:

- Nghỉ ngơi nhiều

- Chế độ ăn lành mạnh

- Uống nhiều nước

Những biện pháp trên giúp giảm đau và các triệu chứng tốt hơn.

Súc miệng nước muối ấm

Một biện pháp đơn giản để điều trị đau họng là súc họng bằng nước muối ấm. Cho ½ muỗng cà phê muối vào cốc nước ấm. Không cho quá nhiều muối vì lượng muối nhiều có thể làm khô họng.

Cần chú ý,không nuốt nước muối, chỉ súc họng rồi nhổ ra. Với những người bị đau họng có thể thêm một muỗng cà phê giấm táo vào cốc nước muối ấm vì giấm táo có tính sát khuẩn.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên nên súc miệng bằng hỗn hợp: 1 thìa cà phê baking soda + 1 thìa cà phê muối + 1 lít nước.

Uống nước ấm pha với thảo dược

Những người đau họng cũng thể uống mật ong hoặc chanh pha với nước ấm để làm giảm đau họng.

thảo mộc trị viêm họng

Những thành phần khác có thể thêm vào nước ấm để làm dịu họng bao gồm: cây xô thơm (cây ngải đắng), bột nghệ, mao lương hoa vàng. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ các tác dụng khác của thảo mộc đến cơ thể.

Vì chất lỏng ấm có thể làm long và giảm chất nhầy nên chúng ta có thể ngậm nước ấm hoặc các dung dịch ấm để tăng hiệu quả.

Giảm đau họng với tỏi

Không phải ai cũng muốn làm như vậy, một số người nói rằng chỉ cần nhai một nhánh tỏi cũng giúp giảm đau họng. Điều này có thể là do tỏi có thành phần gọi là allicin- có tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virut.

Mọi người không nên có suy nghĩ sai lầm rằng tỏi nấu chín cũng có tác dụng tương tự và dùng thay thế tỏi sống. Allicin được kích hoạt bằng cách nhai, cắt hoặc nghiền mà không phải bằng nhiệt độ. Do đó tỏi đã nấu chín không có tác dụng chữa bệnh như tỏi sống.

Cần nghiên cứu thêm để có các công bố về tác dụng của tỏi đối với đau họng.

Biện pháp dễ dàng hơn là ngậm kẹo cứng. Giống như viên ngậm hoặc thuốc ho, kẹo cứng làm tăng tiết nước bọt giúp bôi trơn họng. Không dùng kẹo cứng cho trẻ nhỏ vì kẹo cứng là một nguy cơ gây ngạt thở.

Những người bị đau họng nên tránh xa cà phê và đồ uống có cồn vì chúng có thể gây mất nước dẫn tới khô họng.

Biện pháp dùng thuốc không cần bác sĩ kê đơn

Chúng ta có thể dùng thuốc xịt tê để làm giảm đau họng. Những loại thuốc xịt có sẵn tại quầy thuốc như: dyclonine và phenol.

Các loại thuốc giảm đau có sẵn như: acetaminophen, ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm đau. Không dùng aspirin cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.

Các thuốc kháng sinh không thường được kê để điều trị viêm họng. Nghiên cứu chỉ ra rằng: dùng kháng sinh chỉ làm giảm triệu chứng sớm hơn 16 giờ.

Khi nào cần tới bác sĩ

Mặc dù đau họng rất phổ biến và thường khỏi không để lại di chứng gì, tuy nhiên, một vài trường hợp cần phải dùng thuốc.

Những người bị đau họng sẽ cần đến sự giúp đỡ y tế nếu có các dấu hiệu:

- Đau họng kéo dài trên 1 tuần.

- Khó nuốt hoặc khó thở

- Nhiệt độ cao trên 38o C

- Phát ban

- Đau khớp

- Có máu trong nước bọt hoặc đờm.

Nếu trẻ em bị đau họng kèm theo sốt cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được kiểm tra.

Trà Giang

(theo Medical News Today)

Cách ngừa cảm lạnh

Tôi hay bị cảm lạnh nhất là khi đi ngoài đường gặp mưa dù chỉ là mưa nhỏ của mùa xuân. Xin hỏi nguyên nhân vì sao? Có phải tôi bị dị ứng nước mưa không? Cách nào để phòng ngừa?

Nguyễn Thị Hồng Ngát (hongngat@gmail.com)

Cảm lạnh là tình trạng viêm mũi cùng với viêm họng do virut gây ra (có tới hơn 200 loại virut gây bệnh này). Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan virut. Những người hệ miễn dịch kém có khả năng mắc bệnh rất cao. Thiếu ngủ và suy dinh dưỡng cũng dễ bị cảm lạnh vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Cảm lạnh thông thường bắt đầu với sự mệt mỏi, toàn thân rã rời, cảm giác lạnh toàn thân, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày, sau đó là chảy mũi và ho. Các triệu chứng có thể bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm 2-4 ngày sau khi khởi phát. Các triệu chứng thường chấm dứt sau 7-10 ngày nhưng một số có thể kéo dài tới 3 tuần. Cảm lạnh thường xảy ra hơn trong những ngày lạnh và mưa, đó là nguyên nhân vì sao bạn cứ dính nước mưa là bị cảm lạnh. Thời tiết lạnh làm hệ thống hô hấp của con người nhạy cảm hơn. Nhưng một số virut gây cảm lạnh xuất hiện theo mùa và xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt của mùa xuân ở miền Bắc. Vì vậy, để phòng cảm lạnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm cổ và chân, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Đồng thời dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.

BS. Trần Kim Anh

Chăm sóc răng miệng tốt giúp dự phòng nguy cơ viêm phổi

Viêm phổi không phải là bệnh "lành tính", đặc biệt ở trẻ em. Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em chết do nguyên nhân viêm hoặc có khoảng 1 người chết mỗi 20 giây. Ở Pháp có khoảng 500.000 người mắc viêm phổi mỗi năm, trong đó có 16.000 người chết. Đây là nguyên nhân thứ 2 của nhiễm trùng cơ hội sau nhiễm trùng đường tiết niệu.

viem phoi, cham soc rang mieng tot giam nguy co viem phoi

Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã tiến hành phân tích số liệu y tế của 26.246 người, họ nhận thấy rằng những người thường thăm khám nha sĩ thường xuyên có nguy cơ mắc viêm phổi ít hơn 86% trong suốt cuộc đời của họ.

Theo Tiến sĩ Michelle Doll-Tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết "cơ thể chúng ta luôn có những vi khuẩn, virus, nấm…một vài chủng vi khuẩn là có lợi, một số có hại…khi những vi khuẩn này được hít vào trong phổi khu trú ở đó và chính điều này đã gây viêm phổi.

Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do Streptocoque, Haemophilus influenzae, Staphylocoque hoặc các vi khuẩn kị khí khác…và khi bạn đi thăm khăm nha sĩ thường xuyên giúp giảm những vi khuẩn "có hại" hiện diện trong miệng và giảm nguy cơ mắc viêm phổi.

Tốt nhất nên thăm khám nha sĩ tối thiểu mỗi 12 tháng một lần. Các bạn đừng quên rằng trong có thể, các cơ quan thường có liên kết với nhau. Theo Tiến sĩ Doll thì "Sức khỏe răng miệng có liên quan đến các bệnh lý hô hấp và tim mạch".

Vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh về răng và nướu mà còn giảm đáng kể nguy cơ viêm phổi.

Bs Ái Thủy

(theo Top Sante)

Phòng bệnh ho gà ở trẻ

Nhiều năm trở lại đây ít người dân quan tâm đến bệnh ho gà, thậm chí có người nghĩ bệnh đã được loại trừ từ lâu. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ chủ quan không cho con tiêm văc-xin phòng bệnh ho gà. Tuy nhiên, ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây tử vong và ở nước ta vẫn rải rác có người mắc bệnh.

Nhiều trẻ mắc ho gà vì không tiêm phòng

Một tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng. Điều đáng nói là các bé này đều không được gia đình tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Điển hình là bé V. P. D. 2 tháng tuổi ở Hải Phòng vừa được ra viện sau 2 tuần điều trị thở ôxy tại khoa Hô hấp. Theo lời người nhà, cách đây 1 tháng, bé D. ho từng cơn rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở. Tại bệnh viện tỉnh, cháu được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị trong 10 ngày. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sĩ nhận thấy cháu có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với virut ho gà. Gia đình cho biết cháu D. chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này.

Tiêm phòng vắc-xin “5 trong 1” cho trẻ tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP. Hạ Long - Quảng Ninh). Ảnh: Thu Nguyệt

Bệnh dễ lây lan

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh lây theo đường hô hấp, lây lan mạnh nhất trong 1 - 2 tuần đầu của bệnh. Do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Theo nghiên cứu, ho gà chủ yếu lây lan do tiếp xúc với người mang mầm bệnh ngay trong nhà (70 - 100%) hơn là tại trường học (25 - 50%). Trẻ em, người không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ dễ bị mắc bệnh ho gà và có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa lạnh nhất là mùa đông xuân. Vì trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt không khí không nóng cũng không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn ho gà sinh sôi và phát triển.

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở đường thanh quản, khí quản, ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin - đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết

Thời kỳ ủ bệnh trung bình 5 - 12 ngày; thời kỳ khởi phát (hay còn gọi giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3 - 14 ngày với các biểu hiện sốt nhẹ, từ từ tăng dần kèm theo các biểu hiện ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn; Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài 1 - 2 tuần. Xuất hiện những cơn ho điển hình, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ. Sau ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho kéo dài, ho rũ rượi không ngừng khiến người bệnh bị chảy nước mắt, nước mũi. Các giai đoạn ho nặng kèm theo thở rít vào và thường xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Tiếp theo là khạc đờm, biểu hiện là đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng. Một số trẻ nặng sau cơn ho làm trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người do bị suy hô hấp, bệnh nhân có thể tử vong vì bị nghẹt thở.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê biến chứng chiếm khoảng 5 - 6%, tập trung ở trẻ dưới 6 tháng. Nhiễm trùng là biến chứng chính với biểu hiện bệnh viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, viêm tai, trong đó viêm phổi thường gặp nhất và gây tử vong cao.

Nhân viên y tế điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp theo là biến chứng thần kinh thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi với triệu chứng co giật, bệnh lý não (tỷ lệ 0,9/100.000 ca). Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cấp cứu có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh so não hoặc rối loạn tâm thần. Biến chứng do tăng áp lực ở lồng ngực hay bụng sẽ gây xuất huyết (mắt, mặt, mũi, nội sọ), tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, thoát vị rốn - bẹn, sa trực tràng. Nhiều trường hợp trẻ còn bị mất nước, sụt cân. Những trường hợp trẻ bị ho gà dẫn đến tử vong, nguyên nhân thường do bị viêm phổi, hít sặc (tập trung chủ yếu ở trẻ dưới một tuổi chiếm 3/4).

Phòng bệnh

Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ là biện pháp hiệu quả giúp giảm số trường hợp mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt đối với trẻ em, có thể bảo vệ được 90-95% trẻ. Ở nước ta, sau khi Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia được triển khai, tất cả trẻ dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và có thể tiêm bổ sung cho trẻ trên 18 tháng tuổi bằng 1 mũi vắc-xin DPT (mũi thứ 4). Hiện nay, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 1 liều vắc-xin 5 trong một (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm màng não do Haemophilus Influenzae).

Để phòng bệnh ho gà và các bệnh lây nhiễm cho trẻ, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, càng nên hạn chế tiếp xúc đông người, vì có thể lây nhiễm nhiều loại vi-rút nguy hiểm.

Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quang

5 lời khuyên giúp bạn sống lâu, sống khỏe

“Tiêm chủng đúng lịch, sàng lọc một số dạng ung thư (ví dụ sàng lọc ung thư đại-trực tràng, phụ nữ sàng lọc cả ung thư vú và ung thư cổ tử cung), làm xét nghiệm máu sàng lọc các bệnh như tiểu đường và HIV”, tiến sĩ Paul Erwin, trưởng khoa sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết.

5 lời khuyên giúp bạn sống lâu, sống khỏe

Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng. “Các khuyến nghị hiện tại kêu gọi tập thể dục 150 phút/tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 phút/tuần với các bài tập gắng sức (hoặc kết hợp tập luyện vừa phải với tập luyện gắng sức). Nếu bạn không thể chạy bộ, bơi lội hoặc tập yoga, hãy cắt cỏ bằng máy cắt cỏ tự đẩy thay vì xe cắt cỏ có người lái. Đỗ xe ở nơi xa hơn thay vì luôn tìm chỗ đỗ sát nhà. Leo cầu thang bộ thay vì dùng thang máy”, tiến sĩ Erwin nói.

Không hút thuốc lá, một trong những nguyên nhân gây tử vong và tử vong sớm có thể phòng ngừa được. Nếu hiện bạn vẫn hút thuốc lá, hãy tìm cách bỏ thuốc, tiến sĩ Erwin nhấn mạnh.

Dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng tuổi thọ. “Những gì chúng ta ăn quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta ăn bao nhiêu. Hãy quan tâm tới thực phẩm bạn ăn”.

Cuối cùng tiến sĩ Erwin khuyên nên thực hành và duy trì sự hài hòa và cân bằng trong cuộc sống – giữa công việc và chơi, giữa nghỉ nghơi và hoạt động, đảm bảo sự cân bằng về cả thể chất, tâm trí và tinh thần.

BS P.Liên

(Theo Healthday)

Biểu hiện bệnh viêm khớp dạng thấp

Tôi 55 tuổi, thường xuyên bị đau khớp vai nhất là khi thời tiết thay đổi và đêm ngủ hai bàn tay đau và khó cử động. Xin hỏi có phải tôi bị viêm khớp dạng thấp?

Phan Thị Bích Hằng(bichhang@gmail.com)

Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp. Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng cũng có khi bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp khi ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân... đối xứng hai bên, khớp sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,... Các khớp viêm tiến triển nặng dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế. Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động. Ngoài ra, các biến chứng hay gặp ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp là: có thể bị loãng xương và dễ gãy do phải dùng các loại thuốc điều trị kháng viêm kéo dài. Hơn nữa, nguy cơ bị đau tim tăng 60% ở những người bị mắc chứng viêm khớp dạng thấp. Do vậy, khi có các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như trên người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.

BS. Vũ Ngọc Anh

Sơ cứu vết cắt và vết cào xước

Vết cắt và vết cào xước nhỏ không cần tới phòng cấp cứu. Nhưng việc xử trí thích hợp là cần thiết để phòng nhiễm khuẩn và các biến chứng khác. Sau đây là các chỉ dẫn giúp bạn chăm sóc những vết thương như vậy:

1. Rửa tay: rửa tay giúp tránh nhiễm trùng. Cũng cần đeo găng tay bảo vệ dùng một lần nếu có sẵn

2. Cầm máu: Những vết cắt hoặc vết cào xước nhỏ thường tự cầm. Nhưng nếu chúng không tự cầm được, hãy băng ép bằng một miếng vải hoặc miếng băng sạch. Giữ băng ép liên tục từ 20 đến 30 phút, và nâng cao vết thương nếu có thể. Không kiểm tra liên tục xem vết thương hết chảy máu chưa vì điều đó có thể làm bật cục máu đông vừa hình thành và gây ra chảy máu tiếp tục. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy hoặc máu phun ra sau băng ép liên tục thì hãy đến gặp bác sĩ.

3. Rửa vết thương: Rửa vết thương bằng nước sạch. Không dùng xà phòng vì dễ kích ứng nên cần tránh xà phòng vào vết thương. Nếu vết thương vẫn còn bẩn và nhiều dị vật, dùng nhíp được rửa bằng cồn rồi gắp bỏ dị vật. Nếu dị vật vẫn còn sau đó, hãy đến gặp bác sĩ. Rửa kĩ càng vết thương nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và uốn ván. Dùng khăn rửa mặt rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng. Không cần dùng tới nước oxy già hay cồn iod.

4. Dùng kháng sinh: Sau khi rửa sạch vết thương, bôi một lớp mỏng kem hoặc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Polysporin để giữ ẩm bề mặt. Các sản phẩm này không chứa chất làm tái tạo nhanh nhưng có thể phòng nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của cơ thể. Một số thành phần nhất định trong thuốc mỡ có thể gây dị ứng nhẹ. Nếu xuất hiện các ban dị ứng thì ngừng bôi thuốc mỡ.

5. Băng vết thương: Băng vết thương giúp giữ vết thương sạch và tránh các vi khuẩn có hại. Sau khi vết thương lành tương đối, khó nhiễm khuẩn thì bỏ băng, để vết thương tiếp xúc với không khí, việc này thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo vết thương.

6. Thay băng: Thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào thấy băng ẩm và bẩn. Nếu bạn bị dị ứng với chất dính được sử dụng trong hầu hết các loại băng thì bạn có thể sự dụng loại băng không có chất dính hoặc gạc vô khuẩn được giữ bởi băng giấy, gạc cuộn hoặc băng chun lỏng. Những sản phẩm y tế này có sẵn ở các hiệu thuốc.

7. Khâu vết thương sâu: Nếu vết thương sâu hơn 6 mm hoặc vết thương có bờ nham nhở, để lộ mô mỡ và cơ thì cần khâu lại. Loại băng dính dạng dải hoặc loại băng bướm có thể giữ được vết thương nhỏ, nhưng nếu bạn không đóng được vết thương dễ dàng thì đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Sự đóng kín vết thương thích hợp trong vài giờ có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng.

sơ cứu vết cắt và vết cào

Vết cắt nhỏ và cào xước - Hình A cho thấy vết xước (còn gọi là “mài mòn”). Vết xước không đi xuyên qua da, do vậy nó không cần phải khâu. Hình B cho thấy vết cắt đi xuyên qua da. Vết cắt này sâu, do vậy nó cần được khâu. Ảnh: uptodate

8. Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng: Nếu vết thương của bạn lâu lành hoặc bạn để ý thấy nó đỏ, đau tăng, chảy nhiều dịch, nóng hoặc sưng thì hãy đến gặp bác sĩ.

9. Tiêm phòng uốn ván: Bác sĩ khuyên nên tiêm phòng uốn ván 10 năm/lần. Nếu vết thương của bạn sâu và bẩn, mũi cuối cùng của bạn đã tiêm hơn 5 năm thì bạn nên đi tiêm thêm một mũi và sau khi bị thương thì tiêm càng sớm càng tốt.

Theo Nghiêm Huyền Trang, Hoàng Thanh Tùng (website Bác sĩ Nội trú)

Chăm sóc trẻ nôn trớChăm sóc trẻ nôn trớUống nhầm thứ tự thuốc tránh thai hàng ngàyUống nhầm thứ tự thuốc tránh thai hàng ngàyMũi nhọn điền kinh và bộ ba xe pháo mãMũi nhọn điền kinh và bộ ba xe pháo mã

(Theo Bác sĩ Nội trú)

Những liệu pháp trị đau họng tại nhà

Khi chúng ta bị đau họng, chúng ta có thể có cảm giác ngứa ở họng, khó nuốt, đau hoặc sưng các tuyến ở vùng cổ hoặc hàm. Đôi khi kèm theo cá...